kinh doanh Ninh Thuận
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Đi nghỉ mát khác với đi du lịch như thế nào?

Go down

Đi nghỉ mát khác với đi du lịch như thế nào? Empty Đi nghỉ mát khác với đi du lịch như thế nào?

Bài gửi  ninhthuan Wed Jan 11, 2012 7:31 pm

SGTT.VN - Mấy năm trước tôi đưa mẹ đi Thái chơi. Khi quay lại Hà Lan tôi phởn chí đi khoe Linda – một cô bạn cũng vừa tình cờ đi Thái về. Nó nghe tôi kể xong thì phá lên cười: “Cái Thái Lan của mày sao mà khác cái Thái Lan của tao thế. Chắc tại mày đi nghỉ mát còn tao đi du lịch”.

>> “Ai về Vinh Thạnh quê em...”
>> Chuyện hai cha con người Irak trên chuyến tàu đến Thuỵ Sĩ
>> Phu Song Sung - sừng sững giữa tầng mây
>> Giữ eo thon bằng cách… giảm đầy bụng
>> Tôi học tin thế giới

Tự ái vì từ “nghỉ mát” (holiday), tôi đòi nó giải thích. Nó thản nhiên bảo, thì đi tour có hướng dẫn viên, đi đến toàn những nơi danh lam thắng cảnh, ăn uống ở những nhà hàng tử tế, suốt ngày chỉ chăm chăm mua sắm, một chữ tiếng bản địa không biết, một mẩu văn hoá lịch sử của người bản địa không hay, đấy chẳng phải đi nghỉ mát là gì? Có đi đến tận châu Phi mà đi kiểu đó thì cũng là đi nghỉ mát thôi.

Thế đi du lịch (travel) thì phải thế nào? Hai đứa chúng tôi chụm đầu và đưa ra cương lĩnh travel như sau:

Nói không với tour

“Nói không” với tour: trên những chuyến xe lèn chật ních cùng người bản xứ (Malawi).

Nếu sống trong thành phố lớn, hẳn bạn thường xuyên nhìn thấy những đoàn khách nước ngoài dắt díu nhau mắt la mày lén líu tíu qua đường. Sang được đến bên kia vỉa hè thì hối hả nghển cổ tìm anh chàng hướng dẫn viên đang huơ huơ cái cờ hay cái ô buộc vải đỏ. Dừng chân ở một điểm tham quan thì tổng thời gian nhìn vào hướng dẫn viên nhiều hơn tổng thời gian nhìn vào hiện vật... Tôi từng nói chuyện với vô khối ông bà Tây cho đến khi rời Hà Nội vẫn đinh ninh là thủ đô của Việt Nam chỉ rộng đúng bằng một tí xíu đất quanh hồ Gươm. Nhiều lúc lộn ruột khi bị lũ bạn chê biển Nha Trang nhiều bêtông và nhiều rác, muốn chỉ cho chúng nó xem những dải cát trắng miền Trung trinh nguyên không dấu chân khách lạ, nhưng than ôi, cái tour nó đã định sẵn thế rồi. Đến đi... tè còn phải nhịn, chờ đúng giờ cả đoàn nghỉ chân, nói gì đến việc tự lang thang vào những miền sơn cước heo hút.

Trước khi đến Nam Phi, bị nhân viên một hãng tư vấn du lịch hù doạ thế nào mà tôi cắm đầu mua một tour xuyên Namibia, Boswana và Zambia trong hơn ba tuần. Cả đoàn gồm 20 khách chủ yếu từ châu Âu và Mỹ dính chặt lấy nhau cùng nấu ăn dưới ánh sao, cùng ở trong lều vải, thậm chí thành đôi thành cặp rất mùi mẫn. Đến lúc chia tay cũng có đủ nghẹn ngào thổn thức. Nước mắt ngắn nước mắt dài, Cristiana (bạn cùng lều) còn cố bông đùa: “Mai ơi, trong suốt chuyến du lịch châu Phi gặp sư tử hổ báo nhiều hơn gặp người này, mày là đứa da đen nhất mà tao từng nói chuyện”(!)

Ba tuần ở lục địa đen mà cái đứa da sẫm màu nhất nó được dịp giáp lá cà là một con oắt con da nâu người châu Á, đủ hiểu sự xa cách khủng khiếp của chúng tôi với cuộc sống thực của dân bản xứ. Từ biệt Zambia, tôi bắt xe khách đi Malawi, lọt thỏm cùng gần 30 con người và hàng chục con gà trong một cái Hyundai 12 chỗ ngồi long sòng sọc, cánh cửa phải cột chặt bằng dây thừng nhảy tưng tưng như cóc trên con đường chi chít ổ gà. Các bà các cô nhìn tôi che miệng cười hi hi, các ông các anh thì làm bộ nghiêm nghị rồi thỉnh thoảng lén lút liếc xéo sang. Buổi trưa tôi được chia cho nửa nắm ngô ăn như rơm như rác trong mồm cùng một nụ cười sáng chói. Lòng xốn xang, tôi thề sẽ không bao giờ đi tour lần nữa.

Ba cùng

“Nói không” với tour: một xe, một lều trại, một cốp sau đầy chăn ấm để có thể dừng chân bất cứ nơi nào.

Hầu như người dân ở đâu cũng hiếu khách, càng nghèo càng ít gặp dân du lịch càng hiếu khách. Chỉ cần một ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với họ, những điều đọng lại thường da diết, sâu sắc và khó quên hơn một ngày ở khách sạn ăn cơm tiệm và lang thang chụp ảnh thắng cảnh rất nhiều.

Cái ngày tôi phát hiện ra couchsurfing.org là một ngày xoay chuyển thế giới quan du lịch của tôi. Một mạng lưới bạn bè khắp năm châu sẵn lòng mở cửa nhà đón tiếp, hào hứng chia sẻ thông tin và nhiệt tình làm hướng dẫn viên tự nguyện. Chỉ cần một chút lòng tin, tôi đã thấy mình chạy chân đất trong nhà người lạ, ăn cơm do bố mẹ người lạ nấu, sớm sớm tung chăn dậy cùng người lạ vắt sữa hàng chục con bò, và đến khi bước chân rời khỏi nhà họ thì đã như một người quen thân.

Tôi vốn ham ăn và tham ăn, nên “ba cùng” với người bản xứ thường rất được yêu mến vì có gan nếm thử và ăn sạch những gì họ nấu. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là ở Lima (Peru), tôi nhờ Capac dẫn vào chợ ăn đủ hơn chục loại súp, phình cả bụng. Bát súp cuối cùng dọn ra nguyên xi đầu một con lợn con chặt đôi, một mắt, một tai, nửa mũi, nửa lưỡi nhe răng nhìn tôi đầy oan ức. Tôi ngẩng đầu ngó lên thì thấy gần như cả chợ đã vây xung quanh, đứng khoanh tay hỉ hả cười nói bàn tán xôn xao. Capac bảo họ đang cá cược xem tôi có dám xơi tất, kể cả cái con mắt đang lòi thô lố ra kia không. Chẳng để phụ lòng bạn tốt, tôi nhắm mắt tọng cái cục nhờn nhờn ấy vào mồm nuốt chửng. Dân bản xứ Lima hể hả túa đi, duy nhất một ông bụng béo đứng lại, ngoắt tay tôi và Capac (đang mải đếm tiền thắng cược) ra một góc: “Tôi xin được mời cô cậu đến nhà hàng tôi tối nay xơi một món đặc biệt tôi tự tay làm. Tôi mời”. 8 giờ tối hôm đó, tôi và Capac lần đầu tiên trong đời được nếm một món ăn mà giang hồ Lima đồn rằng còn đắt và khó tìm hơn ma tuý: thịt cá heo hồng. Hai đứa chết trân nhìn ba miếng thịt lòng đào bé tý trị giá gần trăm đôla, hết quay sang ngó nhau lại ngẩng lên ngó ông chủ tiệm đang xoa tay híp mắt khoái chí đứng nhìn. Thiếu chút nữa tôi bảo Capac mày ăn trước đi xem có độc không. Nhưng rồi với một chút liều…

Liều khác với ngu

Nếu như không có một chút liều tôi sẽ chẳng bao giờ quen Mitra.

Lại nói về chuyện Linda và tôi thảo cương lĩnh thế nào là travel. Hai đứa đã thống nhất với nhau được hai điểm, đến điểm cuối cãi nhau kịch liệt vì tôi bảo đấy là liều, Linda bảo đấy là ngu. Nhỡ cái lão chủ tiệm mắt híp ấy bỏ thuốc mê chết hai đứa rồi bắt cóc tống tiền thì sao. Nhỡ thằng Capac thông đồng với lão chủ tiệm đem tôi sang Colombia bán thì sao. Nhỡ đấy là cái bẫy cảnh sát giăng ra để tóm bọn đánh bắt cá heo trộm thì sao. Đủ các loại nhỡ, loại nào cũng có kết cục thê thảm cả.

Tôi không thắng được cái mồm tía lia và giọng nói chói tai của Linda, nhưng rất kiên quyết không nhượng bộ vì tôi cho rằng ngu không tính toán còn liều thì có suy nghĩ đắn đo trước sau. Lấy ví dụ vụ cá heo, tôi đã tính kỹ trước khi há miệng. Danh thiếp của lão chủ đã được bạn bè ở nhà kiểm tra trên mạng và cất giữ, cộng thêm ai cũng biết chúng tôi tối nay đến địa chỉ đó. Một tí liều cũng giống như một tí niềm tin với người lạ, mở lòng đủ rộng để tiếp đón tình thân và những bất ngờ chỉ có thể đến nếu trái tim không quá khắt khe.

Mitra người gốc Iran là một cô bạn khá thân của tôi. Nhưng hoàn cảnh khiến tôi và Mitra gặp nhau rất lạ lùng mà nếu không có tí liều chắc chắn tôi không thể biết Mitra. Hôm đó tôi đang lang thang ở thánh đường thánh Joseph gần trung tâm Sofia (Bulgaria) thì thấy có một đôi vợ chồng người Hồi đi ngược lại. Người vợ đi phía sau, phủ khăn đen gần kín mặt. Anh chồng đeo kính mát to tướng, ăn mặc hiện đại, hớn hở tươi cười chào tôi và chủ động bắt chuyện. Vấn đề là anh ta có cái kiểu nói chuyện khá lả lướt, lại cộng thêm tí hào hứng thái quá khiến toàn bộ khung cảnh với bà vợ khăn khố kín mít chỉ hở đôi mắt to đen thảng thốt cứ trân trân nhìn tôi từ phía xa trở nên rất khó tả. Sau một hồi ba hoa cho phải phép, tôi khéo léo xin phép chào tạm biệt. Chỉ vài phút sau, từ phía sau bức tường, tôi đã nghe thấy tiếng anh chồng tiếp tục bắt chuyện với một đám sinh viên người Anh. Họ không giữ ý như tôi mà lảng đi luôn, lúc đi qua chỗ tôi đứng thì cả tôi và họ đều kín đáo trao đổi một cái nhướng mày hiểu ý.

Cuối ngày, tôi đang thả bộ dọc theo con dốc sau thánh đường về khách sạn, gần như đã quên những gì xảy ra thì bỗng có cảm giác có người đang theo chân mình. Hai vợ chồng người Hồi khi nãy đang ở phía sau. Họ đã đi theo tôi cả buổi chiều. Anh chồng miệng tươi như hoa khoát tay trịnh trọng: “Mời cô về nhà tôi tối nay ăn cơm”. Tôi nhìn sang phía cô vợ, chỉ thấy đôi mắt đen mênh mông nhìn tôi vô cảm.

“Ba cùng” với người bản xứ: giao tiếp với trẻ con hầu như không bao giờ cần ngôn ngữ.

Trở về khách sạn, tôi kể chuyện này với một vài đồng nghiệp (chúng tôi đến Sofia họp báo). Tất cả đều khuyên tôi nên quên lời mời và cẩn trọng. Nói thêm đó là vào cuối năm 2001, không lâu sau vụ Hồi giáo cực đoan tấn công tháp đôi ở Mỹ. Cuối cùng, tôi vẫn quyết định đi, sau khi nhờ một đồng nghiệp đưa đến tận nơi và hứa sẽ chờ tôi nháy máy mỗi giờ một lần. Nếu tôi không gọi khi kim giờ chỉ đúng số thì lập tức gõ cửa nhà và báo ngay cảnh sát.

Những gì diễn ra trong ngôi nhà ấm cúng của Mitra sau đó vẫn còn làm tôi ngượng đến tận bây giờ. Tôi ngỡ ngàng thấy Mitra bỏ khăn trùm đầu, trở thành một cô gái vô cùng xinh đẹp và vô cùng… đanh đá. Tôi đi từ ngạc nhiên đến tức cười khi thấy anh chồng ban ngày huênh hoang lả lướt là thế bỗng như một con cừu non cung cúc để vợ sai khiến: Đi mua thêm rau! Đi lau bàn đi! Mở album ảnh cưới cho Mai xem! Rửa tay rồi lấy kinh Koran ra cho Mai xem… Đến cuối bữa ăn, họ mời tôi ghi lại vài dòng lưu niệm vào một cuốn sổ tay. Sống ở Sofia hơn chục năm, chỉ có vẻn vẹn năm người từng chấp nhận lời mời đến nhà họ ăn cơm. Tôi là người thứ sáu.

Mitra trên Facebook của tôi vẫn trùm khăn kín đầu và vẫn nhìn đời câm nín với đôi mắt dường như u uẩn. Nhưng tôi hiểu rằng vẻ bên ngoài thật dễ lừa gạt nhau. Đôi khi vẫn phải có một chút liều để còn biết tin vào rất nhiều điều tốt đẹp.

"Nói không" với tour: một xe, một lều trại, một cốp sau đầy chăn ấm để có thể dừng chân bất cứ nơi nào.


"Ba cùng" với người bản xứ: giết lợn không thua gì bà con dân tộc Mường chính gốc. Vắt sữa không thua gì dân Ecuador chính gốc.

Phương Mai

ninhthuan
Admin

Tổng số bài gửi : 12
Join date : 02/01/2012
Age : 35

https://kinhdoanhninhthuan.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết